Liên kết website
Số lượt truy cập
Đang online : 1
Số lượt truy cập : 162602
Giới thiệu dự án
   

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, tại Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, công nghệ đang trở thành một động lực của phát triển kinh tế trong nước, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường, tham gia vào mậu dịch quốc tế và nâng cao mức sống. Mặc dù công nghệ nằm trong tay các doanh nghiệp, nhưng quản lý công nghệ không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà chính các chính sách của nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ hoặc tự mình phát triển để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong nước đã tiến hành khảo sát đánh giá trình độ công nghệ một số ngành sản xuất trọng yếu, bảng thống kê sau đây cho thấy bức tranh tương đối về trình độ công nghệ của các địa phương. Đa số các ngành đều có trình độ công nghệ đạt mức trung bình và trung bình khá.

v Tình hình đánh giá trình độ công nghệ ngoài nước:

Trình độ công nghệ của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, việc đánh giá trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp cụ thể theo các phương pháp khác nhau, đặc biệt là phương pháp Atlas công nghệ theo các lĩnh vực ngành kinh tế so sánh với Việt nam chưa được công bố nhiều. Dier và Berger [15] nghiên cứu tác động của trình độ công nghệ lên hoạt động cải tiến và đầu tư với dữ liệu thu thập từ các công ty ở Singapore, Penang (Malaysia) và Thái Lan trong các ngành hóa chất (dầu khí, than đá, nhựa và cao su) và máy móc thiết bị (sản xuất kim loại, sản xuất máy và thiết bị điện tử). Ngoài ra, việc đánh giá khả năng, trình độ công nghệ thường được đánh giá ở cấp độ quốc gia do ngân hàng thế giới thực hiện.

v Tổng quan tỉnh Bến Tre:

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.462 doanh nghiệp (số liệu tính đến 31/10/2014 của Phòng Quản lý Công nghiệp thuộc Sở Công Thương Bến Tre), hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực. Bến Tre đã hình thành Khu công nghiệp Giao Long và Khu công nghiệp An Hiệp đưa vào hoạt động thu hút nhiều dự án đầu tư vào tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 đạt trên 10%/năm, đã hình thành được một số ngành có cơ cấu giá trị cao, chi phối đến sự tăng trưởng của ngành: các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến dừa, chiếm 19,92% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (giá cố định 94), giải quyết việc làm cho hơn 17.250 lao động; chế biến thủy  sản đông lạnh chiếm 26,52% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động; chế biến thức ăn chăn nuôi chiếm 6,35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh,... Đồng thời, đã thu hút nhiều dự án đầu tư mới vào trong và ngoài khu công nghiệp, thực hiện đúng định hướng kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước còn yếu, chưa đủ sức đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế phát triển  và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nhiều lý do khác nhau nên đã thu hút đầu tư mới còn nhiều hạn chế nhất là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn sẽ khuyến khích đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển của ngành.

       Năm 2007, Bến Tre thực hiện đề tài “Đánh giá trình độ công nghệ một số ngành chế biến tỉnh Bến Tre” với kết quả khảo sát thu thập được thông tin của 50 Doanh nghiệp, trong đó có 11 Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến thuỷ sản và 39 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến Dừa. Trình độ công nghệ chung của địa bàn Tỉnh Bến Tre ở mức trung bình yếu. Tuỳ thuộc vào từng nhóm sản phẩm thì vấn đề yếu kém của Doanh nghiệp có khác nhau. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều yếu kém về vấn đề về tổ chức và thông tin. Có sự chênh lệch khá lớn giữa trình độ thiết bị giữa các nhóm ngành, có nhóm ngành đầu tư hệ thống thiết bị tương đối hiện đại. Tuy nhiên cũng có nhóm ngành hầu hết chỉ là sản xuất thủ công. Đối với các Doanh nghiệp có quy mô lớn thì trình độ nhân lực tương đối khá hơn nhiều, tuy nhiên nhìn chung mặt bằng về nhân lực của Tỉnh chỉ ở mức trung bình.Hầu hết các doanh nghiệp đều không chú trọng và tìm hiểu thông tin bên ngoài. Chủ yếu vẫn còn hoạt động theo tích chất của hộ gia đình trừ một vài doanh nghiệp lớn.

Website này được hiển thị tốt nhất với trình duyệt Chrome, Internet Explorer.
Copyright © 2015 Bản quyền thuộc về RTTC.